Đọc soát bản dịch - proofreading

ST&T là một trong số ít dịch vụ dịch thuật áp dụng nghiêm ngặt công đoạn đọc soát để đảm bảo tối đa chất lượng dịch thuật.
Đọc soát bản dịch - proofreading

Khi thực hiện một dự án dịch thuật, đảm bảo chất lượng dịch cao nhất có thể là ưu tiên hàng đầu. Dịch thuật ST&T luôn tuân thủ quy trình dịch thuật nghiêm ngặt bao gồm 3 công đoạn độc lập: biên dịch, hiệu đính và đọc soát. Bài viết này trình bày vai trò, công việc và tầm quan trọng của công tác đọc soát (proofreading).

Vai trò của đọc soát

Khi hiệu đính viên đã hài lòng với bản dịch và không thể cải thiện chất lượng dịch hơn nữa, văn bản dịch sẽ được chuyển sang người đọc soát. Người đọc soát thường là chuyên gia trong lĩnh vực nội dung bản dịch. Người đọc soát cũng có bản gốc văn bản và cũng có thể đọc hiểu được ngôn ngữ bản gốc. Đối với những dự án dịch lớn và có nhiều phiên dịch tham gia, công đoạn đọc soát là công tác tối quan trọng để đảm bảo tính chính xác và nhất quán của các bản dịch.

Công việc của người đọc soát gồm những gì?

Người đọc soát có ba công việc chính. Thứ nhất và quan trọng nhất là đảm bảo bản dịch phải được hiểu một cách rõ ràng. Nếu có một đoạn mà người đọc soát không thể theo dõi được, người đó có thể tham chiếu văn bản gốc, liên hệ với biên dịch viên và hiệu đính viên để thảo luận các phương án dịch và đảm bảo bản dịch không có bất kỳ phần nào mập mờ, tối nghĩa hay gây hiểu lầm cho người đọc. Thứ hai, người đọc soát cần chỉnh sửa các lỗi ngữ pháp, chính tả, dấu câu và văn phong mà hiệu đính viên còn để sót. Nhiều dự án, khách hàng đưa ra danh mục từ vựng, tên thương hiệu, văn phong… cần tuân thủ, người đọc soát sẽ căn cứ theo các chỉ dẫn để đảm bảo văn bản tuân thủ tối đa các chỉ dẫn của khách hàng. Công việc cuối cùng là đảm bảo văn bản dịch được trình bày và định dạng đúng theo văn bản gốc hoặc theo quy chuẩn văn bản. Khi bản dịch có quá nhiều lỗi ngữ nghĩa, người đọc soát sẽ chuyển lại cho bộ phận dịch thuật để kiểm tra lại bản dịch hoặc dịch lại bởi biên dịch khác. Khi văn bản có mức độ trình bày phức tạp và tốn nhiều thời gian, người đọc soát sẽ ghi chú các mục định dạng, trình bày và chuyển tiếp đến bộ phận trình bày lại.

Tại sao đọc soát lại quan trọng?

Quá trình đọc soát được thực hiện nhằm đảm bảo bản dịch có nội dung hoàn toàn giống bản gốc và có thể được đọc một cách tự nhiên nhất với ngôn ngữ đích.

Thông thường khi bản dịch chuyển đến tay người đọc soát, bản dịch đó đã chuẩn về mặt ngữ nghĩa vì đã qua khâu hiệu đính. Tuy nhiên, về mặt diễn đạt, văn phong của ngôn ngữ đích, văn bản đó vẫn có thể còn vấn đề. Để người đọc văn bản dịch có thể hiểu ngay lập tức nội dung văn bản dịch cũng như không bị khó chịu bởi văn phong dịch, công tác đọc soát làm văn bản chỉn chu, tự nhiên và mượt mà ở ngôn ngữ đích.